Gỗ công nghiệp, còn được gọi là gỗ nhân tạo, là một loại vật liệu xây dựng được tạo ra thông qua quá trình sản xuất công nghiệp. Đây là một sự lựa chọn thay thế cho gỗ tự nhiên trong nhiều ứng dụng xây dựng và làm đồ nội thất cả trên thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Vậy chính xác gỗ công nghiệp là gì, các loại gỗ công nghiệp trong ngành xây dựng và làm đồ nội thất, hãy cùng Nhà Thầu Vàng tìm hiểu nhé.
1. Gỗ công nghiệp là gì?
1.1 Khái niệm:
Gỗ công nghiệp có tên quốc tế là Wood Based Panel. So với “gỗ tự nhiên” loại gỗ được lấy từ thân cây gỗ thì “gỗ công nghiệp” là sự kết hợp giữa keo, hóa chất với nhiều gỗ vụn để tạo ra tấm gỗ. Hiểu một cách đơn giản, gỗ công nghiệp được làm từ các nguyên liệu tận dụng, tái sinh, ngọn cành của cây gỗ tự nhiên.
Trong quá trình sản xuất, do gỗ đã được xử lý thành phần nhựa, sấy khô ở nhiệt độ cao và thêm chất phụ gia nên được đảm bảo không cong vênh, hạn chế mối mọt, có độ cứng và độ chịu lực theo tiêu chuẩn.
1.2 Kích thước:
Gỗ công nghiệp có kích thước theo tiêu chuẩn quốc tế như sau
– Kích thước tiêu chuẩn: 1220 x 2440 mm
– Kích thước lớn: 1803 x 2440 mm
– Kích thước vượt khổ: 1220 x 2745 mm
Về độ dày của gỗ thì thường vào khoảng 3 – 25 mm. Người Việt thường có cách gọi khác là 3 – 25 ly.
Độ dày gỗ thường được sử dụng nhiều nhất là 17mm (ly). Độ dày này vừa phải tạo được độ cứng vừa đủ cho các mặt hàng nội thất gỗ công nghiệp, có sự chắc chắn và nhất là tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu.
1.3 Cấu tạo của gỗ công nghiệp:
Gỗ công nghiệp có cấu tạo gồm 2 phần là cốt gỗ công nghiệp và lớp phủ bề mặt.
Cốt gỗ có thể sản xuất từ gỗ keo, cao su, bạch đàn… được nghiền thành gỗ vụn, mùn cưa, dăm gỗ, bột gỗ kết hợp với chất phụ gia và keo để ép dưới áp suất cao tạo thành tấm gỗ.
Dựa vào thành phần cốt gỗ và lớp phủ bề mặt, người ta phân biệt thành các loại sau.
– Cốt gỗ: Ván dăm (PB), MFC, MDF, HDF, Plywood, ván nhựa. Ngoài ra còn có ván OSB, Block board, ván gỗ ghép thanh
– Lớp phủ bề mặt: Melamine, Veneer, Laminate(HPL), Acrylic, Vinyl, Arilux,…
1.4 Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng gỗ công nghiệp:
– Độ trương nở theo chiều dày sau 24 giờ ngâm nước – Thickness Swelling 24h
Thuộc tính của ván gỗ là khả năng hút ẩm. Độ trương nở theo chiều dày sau 24 giờ ngâm nước là chỉ số quan trọng. Tấm ván có độ trương nở thấp sẽ hạn chế tình trạng bị phồng rộp, cong vênh ở mép ván trong quá trình sử dụng, đặc biệt là ở những môi trường ẩm.
Khí hậu Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc có mùa nồm ẩm với độ ẩm rất cao là một bất lợi đối với việc sử dụng ván gỗ công nghiệp. Vì vậy, cần lựa chọn những loại ván có khả năng chống ẩm cao, được đảm bảo chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín để sản xuất nội thất nhằm tránh tình trạng biến dạng đồ nội thất sau một thời gian ngắn sử dụng.
– Liên kết nội – Internal Bond
Đây là chỉ số đo lường tính liên kết giữa các phần tử trong tấm ván, thể hiện khả năng chịu lực tác động của tấm ván. Liên kết nội hay độ bền kéo của tấm ván thấp sẽ dẫn đến tình trạng nứt gãy và gây ra lỗi trong quá trình ép phủ bề mặt. Tấm ván có liên kết nội tốt sẽ hạn chế khả năng bắt vít kém và sự xô lệch sau khi tháo lắp, di chuyển của đồ nội thất.
– Độ bền uốn – Bending Strength
Độ bền uốn của tấm ván được xác định bằng cách đo lường độ biến dạng của tấm ván khi đặt một tải trọng xác định lên bề mặt tấm ván. Chỉ số này tỷ lệ thuận với mật độ gỗ. Một tấm ván có chất lượng tốt thì cả độ bền uốn và độ bền kéo (liên kết nội) đều cao và ổn định.
– Mô đun đàn hồi – Modulus of Elasticity
Mô đun đàn hồi là chỉ số đo lường khả năng chống chịu biến dạng của vật thể khi có một lực tác động lên nó. Chỉ số này được đo bằng độ dốc đường cong biến dạng của tấm ván trong vùng biến dạng đàn hồi.
Tấm ván có độ cứng cao thì sẽ có mô đun đàn hồi cao hơn. Những tấm ván có mô đun đàn hồi và liên kết nội thấp thường gây ra hiện tượng võng xệ khi phải chịu tải trọng lớn. Ván không thể hồi phục lại nguyên trạng ban đầu dù không còn lực tác động nữa.
– Tỷ trọng ván – Density
Mật độ hay tỷ trọng ván được định nghĩa là khối lượng có trong một đơn vị thể tích của vật liệu. Độ bền tấm ván sẽ tăng khi mật độ/tỷ trọng ván tăng.
Gỗ công nghiệp chất lượng cao sẽ có tỷ trọng đúng tiêu chuẩn theo từng loại ván, như ván dăm là loại có tỷ trọng trung bình thấp hơn so với MDF, HDF.
Tỷ trọng ván đúng đảm bảo gỗ công nghiệp có độ cứng, độ bám vít tốt, khả năng thấm hút nước thấp, độ bền cao.
2. Các loại ván gỗ công nghiệp phổ biến:
2.1 Ván dăm (PB)
Ván dăm được chia thành hai loại là ván dăm trơn và ván dăm kháng ẩm
a. Ván dăm trơn (PB – Particle Board)
Được sản xuất từ các loại dăm gỗ xay ra, rồi ép lại thành 2 lớp gồm lớp lõi và lớp bề mặt.
Ưu điểm của ván dăm là có độ bắt vít cao, khó bị uống cong. Nhược điểm là không làm được đồ nội thất có bề mặt cong.
Ứng dụng: Dùng làm nội thất văn phòng (bàn làm việc, tủ đựng hồ sơ,…) vì nhu cầu chịu lực của các hệ tủ kệ này thấp.
b. Ván dăm kháng ẩm (HMR – PB – High Moisture Resistant Particle Board)
Là ván dăm có thêm phụ gia kháng ẩm, được phân biệt với ván dăm thường bằng màu xanh trên tấm ván. Ván dăm kháng ẩm giảm khả năng hấp thụ nước và chống lại hiện tượng phồng nở, biến dạng trong môi trường có độ ẩm cao hoặc tiếp xúc với nước.
Ưu điểm là có độ bắt vít khá, khó bị uốn cong và có tính kháng ẩm. Nhược điểm là không làm được đồ nội thất có bề mặt cong
Ứng dụng: Dùng làm nội thất văn phòng cao cấp do khả năng kháng ẩm tốt hơn.
2.2 MDF
Ván MDF được chia thành ba loại là ván MDF thường, MDF kháng ẩm và MDF chậm cháy.
a. MDF thường (Medium Density Fiberboard)
Được làm từ các sợi gỗ nhỏ và sử dụng chất kết dính là keo UF (urea formaldehyde) để liên kết các sợi gỗ, tạo nên các cốt ván MDF.
Ưu điểm là có độ bắt vít cao, bề mặt phẳng mịn nên dễ dàng sơn lên hoặc dán các chất liệu khác lên trên, làm được đồ nội thất có mặt cong. Nhược điểm là không có độ dẻo dai, không làm được đồ trạm trổ như gỗ tự nhiên.
Ứng dụng: dùng làm đồ nội thất ở nhà (tủ tivi, tủ quần áo, giường,…) ở các khu vực không cần kháng ẩm.
b. MDF kháng ẩm
Được sử dụng chất kết dính là keo MUF, nhựa Phenolic hoặc PMDI thay vì sử dụng keo UF thông thường. Đặc biết có thêm chất chỉ thị màu xanh để phân biệt với gỗ MDF thường.
Ưu điểm là có độ bắt vít cao, bề mặt phẳng mịn nên dễ dàng sơn lên hoặc dán các chất liệu khác lên trên, làm được đồ nội thất có mặt cong, có tính kháng ẩm. Nhược điểm là không có độ dẻo dai, không làm được đồ trạm trổ như gỗ tự nhiên.
Ứng dụng: dùng làm đồ nội thất nhà ở cho các khu vực ẩm ướt như bếp, khu vệ sinh, làm tủ bếp, tủ vệ sinh,…
c. MDF chậm cháy
Được cho thêm phụ gia là thạch cao, xi măng vào để tạo nên đặc tính chậm cháy cho tấm ván. MDF chậm cháy có màu hồng để phân biệt với MDF thường (màu vàng nâu). MDF chậm cháy bắt lửa chậm, hạn chế cháy lan, tạo ra nhiệt độ thấp và ít khói, ít chất thải và chất độc.
Ứng dụng: làm vách ngăn, vách tiêu âm, vách trang trí, cửa chống cháy,… ở các khu vực có nguy cơ cháy cao và có đông người sử dụng như phòng họp, hội nghị, karaoke, quán bar,…
2.3 HDF
HDF được chia làm hai loại là HDF và Black HDF
a. HDF (High Density Fiberboard)
Được sản xuất từ gỗ nghiền thành bột gỗ mịn, kết hợp với keo và chất phụ gia, ép dưới áp xuất cao.
Ưu điểm là chịu lực cao, chống thấm nước tốt. Nhược điểm là tỷ trọng nặng nên không phù hợp làm sản phẩm nội thất, giá thành cao
Ứng dụng: Dùng làm sàn gỗ và ốp vách.
b. Black HDF
Là HDF siêu chống thấm, có màu đen, khi sản xuất thì được sử dụng với lực nén cực lớn hơn hẳn HDF nên có tính năng vượt trội về chịu nước và chịu được tác động ngoại lực cực kỳ cao.
Ưu điểm là độ chịu lực cao, có khả năng chống thấm nước tốt. Nhược điểm là nặng và có giá thành cao.
Ứng dụng: làm vách ngăn toilet khu công cộng hay những sản phẩm nội thất cần có độ chịu lực cao và chống va đập cao.
2.4 Plywood
Plywood còn được gọi là “ván gỗ ép”, “gỗ dán”. Plywood là các tấm gỗ được ép từ nhiều tấm gỗ tự nhiên mỏng hơn, có cùng kích thước và xếp chồng lên nhau thành nhiều lớp. Được kết dính với nhau bằng keo đặc biệt chuyên dụng.
Ưu điểm: nhẹ, chịu nước tốt, chống cong vênh tốt, có màu sắc và vân gỗ tự nhiên, có khả năng uốn cong tốt. Nhược điểm là bề mặt không đẹp, màu sắc không đa dạng, khả năng chống cháy kém.
Ứng dụng: làm bàn ghế, giường ngủ, kệ tivi, tủ quần áo, tủ kệ trang trí,…độ bền cao, tính thẩm mỹ cao nhưng giá vô cùng hợp lý. Ngoài ra, độ chống nước của Plywood tốt nên thường được sử dụng ở những nơi có nguy cơ rò rỉ như tủ toilet hay khu vực chậu rửa chén.
2.5 Gỗ nhựa (WPB và Picomat)
Gỗ nhựa WPB (Water Proof Board) có kết cấu nhựa và bột gỗ, trọng lượng nhẹ, chậm cháy và chống nước. Tấm có độ bền cao, không mối mọt, không ẩm mốc, an toàn cho sức khỏe.
Gỗ nhựa Picomat (PVC) là vật liệu dạng tấm được tạo thành từ Polivinyl Clorua và một số chất phụ gia vô cơ.
Ưu điểm là có chống nước tốt, chống cháy lan, hạn chế cong vênh và chống mối mọt. Đặc biệt an toàn đối với người sử dụng do không có Formaldehyde, độ bền lên đến 30 năm. Nhược điểm là chịu lực yếu, dễ biến dạng do nhiệt độ, bám vít thấp.
Ứng dụng: sử dụng cho các thiết kế quảng cáo, hội chợ, trang trí nội và ngoại thất. Đặc biệt là cửa chống nước, tủ bếp, tủ vệ sinh,…
2.6 Ván OSB ((Oriented Strand Board)
Là ván dăm định hướng, có kết cấu là ván ép dăm nhưng kích thước lớn hơn rất nhiều lần so với các loại gỗ công nghiệp khác.
Ưu điểm: độ liên kết tốt và cứng nhắc, độ bắt vít tốt và đàn hồi cao, bền trong môi trường ẩm và nước. Nhược điểm là bề mặt ván thô khó sơn phủ và khả năng bám màu không cao, phần cạnh ván nếu bị ngấm nước sẽ rất lâu khô.
Ứng dụng: sử dụng tốt cho các sản phẩm thô mộc, dùng làm đồ nội thất và ngoại thất, vách ngăn tường, trần, tấm lót sàn, kệ trưng bày, khung đỡ cho các sản phẩm nội thất khác.
2.7 Ván Block board
Ván block board là một tấm gỗ có lõi là ván ép và các tấm veneer mỏng ở mặt trên và mặt dưới.
Ưu điểm là bề mặt phẳng, nhẵn, độ bền cao, độ bám vít mạnh, chống cong vênh và chống nứt nẻ ở mức trung bình. Nhược điểm là dễ bị hư hại do nước.
Ứng dụng: là sự lựa chọn ưu tiên nhất khi các miếng gỗ dài được yêu cầu để làm nội thất.
2.8 Gỗ ghép thanh
Gỗ ghép thanh hay còn gọi là ván ghép (Finger joint) là một sản phẩm ván gỗ công nghiệp được sản xuất bằng cách ghép các thanh gỗ tự nhiên có kích thước nhỏ lại với nhau nhờ chất kết dính sau đó được ép dưới nhiệt độ và áp suất quy định để tạo thành những tấm ván có kích thước lớn hơn.
Ưu điểm là có giá thành rẻ, khả năng kháng nước và khả năng chịu lực tốt.
Ứng dụng: dùng làm đồ nội thất văn phòng, showroom,…
3. Các lớp phủ bề mặt của gỗ công nghiệp phổ biến
3.1 Melamine
Lớp phủ melamine là một loại lớp phủ bề mặt được sử dụng trên gỗ công nghiệp để cải thiện tính chất và ngoại hình của nó. Melamine là một loại nhựa tổng hợp có tính chất chống trầy xước, chống ẩm và dễ dàng vệ sinh.
Lớp phủ melamine cung cấp một loạt các màu sắc, hoa văn và hoạ tiết khác nhau. Nó có thể được sử dụng trên ván MDF, ván gỗ tự nhiên và các vật liệu gỗ công nghiệp khác để tạo ra các sản phẩm như tủ, cánh cửa, bàn làm việc và sàn nhà. Lớp phủ melamine không chỉ cung cấp vẻ đẹp và sự bền vững mà còn giúp bảo vệ bề mặt gỗ khỏi mài mòn, trầy xước và ẩm mốc.
3.2 Laminate (HPL – High Pressure Laminate )
Laminate cũng sản xuất từ Melamine, nhưng khác với Melamine làm ra MFC là sử dụng máy ép chu kì ngắn, Melamine để sản xuất tấm Laminate HPL là sử dụng máy ép chu kì dài. Tấm Laminate có thể sử dụng rời vô cùng linh hoạt trong sản xuất.
Lớp phủ Laminate có nhiều màu sắc, hoa văn và hoạ tiết khác nhau, cho phép tạo ra nhiều kiểu dáng và trang trí khác nhau trên bề mặt gỗ công nghiệp. Nó có thể được sử dụng trên ván MDF, ván gỗ tự nhiên và các vật liệu gỗ công nghiệp khác để tạo ra các sản phẩm như bàn làm việc, cánh cửa, tủ và nội thất khác.
Lớp phủ Laminate mang lại độ bền, chống trầy xước và chống ẩm, làm cho bề mặt gỗ công nghiệp trở nên dễ dàng vệ sinh và bền vững theo thời gian. Nó cũng cung cấp một vẻ đẹp đa dạng và tùy chọn trang trí cho các ứng dụng nội thất và xây dựng.
3.3 Lacquered Laminate
Sản phẩm có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các dòng Laminate trước đây, bề mặt mịn và những tone màu đơn sắc thời thượng. Nó là sự kết hợp giữa lớp phủ Laminate và lớp phủ sơn Lacquer.
Lớp sơn Lacquer là một loại sơn trong suốt, có độ bóng cao và độ bền tốt. Nó được áp dụng lên lớp phủ Laminate đã có để tăng cường bề mặt, tạo sự bóng bẩy và bảo vệ gỗ công nghiệp khỏi trầy xước và tác động bên ngoài.
Lớp phủ Lacquered Laminate thường được sử dụng trong nội thất và trang trí, như tủ, bàn, sàn nhà và các sản phẩm gỗ công nghiệp khác. Nó cung cấp một bề mặt bền, chống trầy xước và dễ dàng vệ sinh, đồng thời tạo ra một vẻ đẹp cao cấp và độc đáo cho sản phẩm gỗ.
3.4 Acrylic
Là loại đứng đầu về độ bóng như gương. Vật liệu phủ code gỗ Acrylic có độ bóng sâu và độ phẳng tuyệt đối. Với góc nhìn nghiêng sẽ không thấy ảnh phản chiếu bị cong hay là bị biến dạng. Tuy nhiên, xét về khả năng chống xước thì nó ở mức trung bình.
Lớp phủ Acrylic thường được áp dụng lên bề mặt gỗ thông qua quá trình phun hoặc lăn. Khi khô, nó tạo ra một lớp mỏng, cứng và trong suốt trên bề mặt gỗ, bảo vệ nó khỏi trầy xước, ẩm mốc và có khả năng chống UV, giúp bảo vệ gỗ khỏi tác động của ánh sáng mặt trời và duy trì màu sắc ban đầu của sản phẩm.
Lớp phủ Acrylic được sử dụng rộng rãi trong nội thất, trang trí và công nghiệp gỗ. Nó có thể được áp dụng lên ván MDF, ván gỗ tự nhiên và các vật liệu gỗ công nghiệp khác để tạo ra các sản phẩm như tủ, bàn, cánh cửa và sàn nhà.
Gỗ công nghiệp đã trở thành một trong những vật liệu sản xuất nội thất phổ biến và quan trọng trong ngành nội thất hiện đại. Với sự tiến bộ trong công nghệ và quy trình sản xuất, gỗ công nghiệp không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên gỗ một cách bền vững. Đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu sử dụng nội thất của người tiêu dùng cả về chất lượng và giá cả. Trên nền tảng này, hãy cùng Nhà Thầu Vàng khám phá về gỗ công nghiệp và những điều bạn cần biết trong ngành nội thất hiện đại.
Công Ty Cổ Phần Nhà Thầu Vàng
VỮNG NIỀM TIN – XÂY TỔ ẤM
Trụ sở: Số 19 Đường 24A, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Văn phòng đại diện: 130 D2 Shophouse Rivera Waterpoint
Email: [email protected]
Hotline: 0364 848 868
Website: www.nhathauvang.com