NGUYÊN NHÂN GÂY RA VẾT NỨT CHÂN CHIM TRÊN TƯỜNG

Các chủ nhà thường nhận thấy mình đang phải đối mặt với một vấn đề khá phổ biến: các vết nứt chân chim xuất hiện trên tường nhà. Việc phát hiện một vết nứt mới trên tường chắc chắn khiến bạn rất bực bội và thậm chí căng thẳng. Có thể bạn đang tự hỏi các vết nứt này từ đâu ra, trong nội dung bài viết này Nhà Thầu Vàng sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn về nguyên nhân gây ra vết nứt chân chim trên tường.

1. Tường bị nứt chân chim là gì?

Nứt chân chim là những vết nứt nhỏ, có hình dạng ngẫu nhiên rất phổ biến trong các hạng mục xây dựng. Đặc điểm của nó là độ rộng chỉ dưới 1mm, hình dạng giống chân chim. Không giống như các loại vết nứt kết cấu ăn sâu vào bên trong nứt loại này thường là nứt lớp vữa trát tường và ảnh hưởng trực tiếp đến các lớp phủ bề mặt tiếp theo.

Nhà Thầu Vàng

>>> Có thể bạn quan tâm: Cơm Niêu Hạnh Phúc – Hơi thở của Phố cổ Hội An tại Waterpoint

2. Nguyên nhân gây ra vết nứt chân chim trên tường

Theo nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng, có nhiều nguyên nhân gây ra vết nứt chân chim trên tường như: Vật liệu không đảm bảo, lớp hồ vữa trên tường không đồng nhất trong quá trình xây, co ngót vữa bê tông, vữa xi măng, lớp sơn phủ nội thất không có khả năng co giãn… Trong những nguyên nhân trên, nguyên nhân do co ngót là phổ biến nhất.

Hiện tượng tường bị nứt chân chim có thể xuất hiện sau khi thi công vài ngày hoặc cũng có thể nứt sau khi đã sử dụng một khoảng thời gian dài. Thực tế, rạn nứt chân chim bên trong tường nội thất phổ biến với hầu hết các công trình dân dụng ở Việt Nam, thậm chí nhiều ngôi nhà vừa xây xong đã xuất hiện vết rạn.

Bên cạnh đó, khí hậu nóng ẩm, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều cũng là một trong những nguyên nhân khiến màng sơn nội thất bị tác động dẫn đến các vết rạn nứt.

2.1 Nứt tường do không bảo dưỡng đúng cách

Đối với các loại vật liệu gốc xi măng, việc tạo ẩm bề mặt trước khi thi công và tưới nước sau đó là hết sức cần thiết. Việc bảo dưỡng sẽ giúp bề mặt tường không bị mất nước quá nhanh dẫn đến sự co ngót đột ngột và gây ra hiện tượng nứt tường.

Để lớp vữa trát đảm bảo, trước khi thi công cần tưới ẩm bề mặt bằng vòi tưới nước. Chú ý độ ẩm cần phải đạt mức bão hòa tức là tưới ẩm đến khi tường không hút thêm nước nữa thì thôi. Đối với lớp vữa đã trát xong cần bảo dưỡng sau đó 4 tiếng để đảm bảo không bị khô quá nhanh gây ra vết nứt chân chim trên tường.

2.2 Nứt tường do pha trộn vật liệu không đúng tỷ lệ

Đối với vữa xây trát, tỷ lệ vật liệu cần được pha trộn theo đúng cách. Ví dụ như vữa xi măng cát thì sẽ có một tỷ lệ xi măng và cát được tính toán theo bảng định mức đã được tính toán sẵn. Nếu như pha xi măng quá nhiều sẽ rất dễ gây ra hiện tượng nứt chân chim trên tường ngay sau khi thi công hoặc sau đó vài ngày. Ngoài ra, tỷ lệ nước sử dụng để pha trộn cũng phải được tính toán hợp lý. Nếu ít nước hồ vữa sẽ khô, khó thi công và tạo điều kiện dễ dàng cho vết nứt chân chim hình thành.

Để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho bề mặt lớp vữa trát tỷ lệ vật liệu cần được pha trộn theo tỷ lệ được tính toán sẵn. Thực tế ngoài công trường chúng ta không thể cân đo chính xác 100% tuy nhiên cần ước lượng một cách tương đối. Ví dụ như cần pha trộn 1m3 vữa xây thì cần bao nhiêu xẻng xi và bao nhiêu xẻng cát. Như vậy, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn và vừa đảm bảo chất lượng của hạng mục mà không làm mất nhiều thời gian pha trộn.

2.3 Nứt chân chim trên tường do co ngót nhiệt ở những nơi có điều kiện thời tiết thay đổi liên tục

Nứt chân chim trên tường thường xảy ra ở bề mặt ngoài tường nhà ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt hoặc thay đổi theo mùa. Do mỗi một loại vật liệu có một hệ số giãn nở nhiệt khác nhau, khi có sự chênh lệch nhiệt độ thay đổi đột ngột thì sẽ dẫn đến sự co ngót khác nhau của các loại vật liệu trong cùng 1 kết cấu gây nứt. Tại Việt Nam khi vào mùa nắng nóng nhiệt độ mặt ngoài tường có thể lên đến 60 – 70 độ C, khi đó nếu trời mưa đột ngột sẽ dẫn đến sự co ngót không đều giữa các loại vật liệu và gây ra nứt chân chim.

Chúng ta sẽ không thể thay đổi được các tác động của thời tiết tuy nhiên vẫn có những cách để giúp tăng khả năng chống nứt lên lớp vữa trát một cách rất hiệu quả. Một số cách phổ biến như đóng lưới thép đan mắt cáo trước khi tô hay pha thêm phụ gia kết nối để tăng cường độ của vữa được sử dụng giúp giảm hiện tượng nứt đi rất nhiều.

Ngoài ra, các loại vật liệu chống thấm cho tường có khả năng kháng tia UV khi được sử dụng sẽ bảo vệ lớp vữa trát tránh được ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài trong một thời gian dài. Thông thường, vật liệu loại này có độ giãn dài rất cao nên đối các vết nứt chân chim có độ rộng dưới 1mm có thể lăn phủ trực tiếp loại này lên để sửa chữa hạng mục chống thấm rất hiệu quả.

Nguồn: Tổng hợp

*****

Công Ty Cổ Phần Nhà Thầu Vàng
VỮNG NIỀM TIN – XÂY TỔ ẤM
📌Trụ sở: Số 19 Đường 24A, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
🏘Văn phòng đại diện: Waterpoint Shophouse Rivera A1.04.
📞Hotline: 036 484 8868
✅Fanpage: https://www.facebook.com/nhathauvangvietnam